Chế độ khảo xét và đãi ngộ quan lại

Chế độ khảo xét quan lại

Khảo xét về chuyên môn

     Tùy theo từng triều đại và từng ngạch quan, nhà nước tổ chức các kì thi sát hạch chuyên môn một cách phù hợp. Các quan văn được sát hạch qua kì thi Hoành từ, quan võ được sát hạch qua kì thi võ nghệ, đô thí. Các kì thi sát hạch không được tổ chức thành thông lệ song kết quả thi sát hạch vẫn là cơ sở để nhà nước phân loại và quyết định thăng, giáng quan chức.

Khảo xét về năng lực và tư cách quan lại

     Với mục đích “truất bãi người ươn hèn, cất nhắc người mẫn cán”, từ thời Lý, nhà nước đã đặt lệ khảo khoá quan lại. Các triều đại phong kiến Việt Nam đặt thời hạn khảo khoá dài ngắn khác nhau: nhà Lý quy định là 9 năm, nhà Trần quy định từ 10 đến 15 năm, nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn chỉ còn có 3 năm sơ khảo, 9 hoặc 6 năm thông khảo.

     Về thủ tục khảo khoá: Thủ tục khảo khoá chỉ được quy định rõ vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn: Sau 3 năm làm việc kể từ khi bước vào quan trường hoặc kì khảo khoá trước các quan phải tự khai và xin khảo khoá.

     Mục đích sơ khảo nhằm buộc quan lại phải thưởng xuyên trau dồi phẩm cách và nâng cao năng lực chuyên môn. Mục đích của thông khảo nhằm quyết định thăng giáng, thuyên chuyển quan lại.

Chế độ khảo xét và đãi ngộ quan lại

Chế độ đãi ngộ quan lại

     Nhà nước đãi ngộ cho quan lại khá toàn diện.

Đãi ngộ phi vật chất

- Được phong tước phẩm (thậm chí phong tước phẩm cho thân thích theo lệ truy phong và ấm phong).

- Quý tộc, quan lại còn được nhà nước bảo vệ sức khởe, tính mạng, danh dự tuyệt đối hơn so với bách tính.

- Được hưởng lệ trí sĩ.

- Trong trường hợp phạm tội, quý tộc, quan chức cao cấp được hưởng những nguyên tắc có lợi trong quá trình tố tụng.

Đãi ngộ vật chất

     Thời Lý – Trần đãi ngộ vật chất cho quan lại chưa được quy định rõ ràng, thường trả công và ban thưởng cho quan lại chủ yếu thông qua việc ban cấp ruộng đất hoặc trả bằng hiện vật. Quy chế đãi ngộ về vật chất dần hoàn thiện từ thời Hậu Lê và bao gồm các khoản: Lương bổng, lộc, tiền dưỡng liêm, tiền quan phục. Các triều đại cấp bổng, lộc bằng tiền, hiện vật hoặc bằng ruộng đất cho quan lai. Mức độ đãi ngộ nhiều hay ít phụ thuộc vào các yếu tố sau:

- Tước vị, phẩm hàm và chức vụ của quan lại.

- Địa bàn làm việc.

- Tính chất công việc mà quan lại thực hiện.

     Như vậy, ảnh hưởng sâu sắc của chế độ quan lại phong kiến Trung Quốc, quan lại phong kiến Việt Nam được đào tạo một cách cơ bản và hệ thống. Do vậy, quan lại có trình độ học vấn cao và kĩ thuật cai trị thành thục. Chức vụ, tước phẩm của quý tộc, quan chức do nhà nước phong tặng, bổ nhiệm và chỉ có giá trị một đời. Nhà nước xây dựng hệ thống quan lại gồm nhiều ngạch song suốt thời kì phong kiến chính sách sử dụng quan lại chủ yếu là trọng văn.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: nha nuoc van lang, nước âu lạc