Chế độ tước phẩm của quan lại

 Tước và phẩm của quan lại

     Tước vị và phẩm hàm là danh hiệu do nhà nước phong tặng cho quý tộc, công thần, quan lại tùy vào công trạng, thành tích, đường xuất thân.

- Tước vị là danh hiệu cao nhất nhà nước thường dùng để phong tặng cho quý tộc, công thần. Hệ thống tước vị bao gồm 6 bậc: Vương, công, hầu, bá, tử, nam. Đối tượng được phong tước vị không nhiều và ngày càng thu hẹp. Tước vương thưởng chỉ dành phong tặng cho các hoàng tử, thậm chí nhà Nguyễn chỉ truy tặng tước vương sau khi đối tượng được phong tặng chết. Các tước vị còn lại dùng để gia phong cho hoàng thân quốc thích, công thần và quan chức cao cấp. Tuy nhiên, thời Nguyễn tước công và tước hầu không còn được sử dụng để phong cho văn quan. Người được phong tước vị được hưởng nhiều biệt đãi: Được dùng tên các đơn vị hành chính phủ, huyện (đối với tước vương và tước công) hoặc dùng mĩ tự để đặt hiệu; thân thuộc bề dưới được tập tước.

Chế độ tước phẩm của quan lại

- Phẩm hàm được chia làm 9 phẩm, mỗi phẩm chia làm hai bậc chánh và tòng. Phẩm hàm cao nhất là chánh nhất phẩm, thấp nhất là tòng cửu phẩm. Phẩm hàm dành phong tặng cho các quan lại của triều đình.

- Phẩm trật là thước đo tư cách đạo đức và địa vị cao thấp của quan lại trong bộ máy nhà nước. Dựa trên tước vị và phẩm hàm, từ thời Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến đã quy định thứ tự cao thấp của quý tộc quan lại thành 24 bậc, mỗi bậc là một tự Quốc công có địa vị cao nhất là 24 tư, tòng cửu phẩm có địa vị thấp nhất là 1tư. Dựa trên phẩm trật, nhà nước sẽ bổ nhiệm chức vụ tương ứng cho quý tộc, quan lại.

Thể lệ phong tước phẩm

     Tước , phẩm của quan lại được phong theo ba lệ:

- Lệ tích phong: Là lệ phong tước, phẩm dựa trên công trạng, thành tích của chính người được phong. Tước, phẩm được phong sẽ quyết định chức vụ cao thấp trong bộ máy nhà nước của người được phong.

- Lệ truy phong: Là lệ phong tước, phẩm cho người bề trên trực hệ hoặc vợ của quý tộc, công thần và quan chức cao cấp trong triều. Diện được truy phong phụ thuộc vào hai yếu tố: Triều đại truy phong và địa vị của quý tộc, quan chức. Triều Hậu Lê, hoàng thái hậu được phong 3 đời, hoàng hậu và các bậc phi được phong 2 đời, các quan có hàm từ tứ phẩm trở lên chỉ được phong 1 đời. Đối tượng được hưởng lệ truy phong không được bổ nhiệm các chức vụ nhà nước, do đó cũng không được hưởng bổng lộc. Tước vị và phẩm hàm do truy phong được xác định theo nguyên tắc tước phẩm của cha mẹ luôn kém con 1 bậc (đối với quan võ), 2 bậc (đổi với quan văn).

- Lệ ấm phong: Là lệ phong tước, phẩm cho các thân thuộc trực hệ bề dưới của quý tộc, công thần và quan chức cao cấp trong triều. Đối tượng được hưởng ấm phong sẽ được bổ nhiệm quan chức theo lệ nhiệm tử.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: nhà nước văn lang, nuoc au lac